Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi
Thôn Phước Nhơn, Xã Phổ Nhơn, Thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi
0825888888
info@243farm.vn
Thứ 2 - thứ 7
7h30 - 17h30
quy trinh ky thuat trong cay gai xanh
Gai xanh tại Farm 24/3 Quảng Ngãi

Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây gai xanh

Cây gai xanh, còn gọi là cây lá gai, đã được trồng khá lâu đời tại Quảng Ngãi, nhưng chủ yếu là được người dân thu hái để làm bánh (bánh ít lá gai). Song đây cũng là cây nguyên liệu hàng đầu để làm sợi dệt cho ngành may mặc.


Giới thiệu chung

Qua đánh giá, cây gai xanh có nhiều đặc tính tốt, giá trị sử dụng cao, thân vỏ có thể sản xuất thành sợi dệt vải chất lượng tốt (một số nước phát triển đã chọn sợi gai có chất lượng cao dùng may áo chống đạn cho chiến sỹ) lá được sử dụng làm bánh gai, tách chiết lấy tinh dầu, sản xuất chất màu tự nhiên phục vụ cho ngành công nghiệp thực phẩm và làm thức ăn cho gia súc.

Lõi cây gai được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm chất đốt và làm nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ phân vi sinh…

Bên cạnh đó, cây gai xanh có khả năng giữ ẩm, tăng độ che phủ, cải tạo lý tính của đất, tăng độ phì nhiêu cho đất, làm đất tơi xốp, chống xói mòn và bảo vệ đất hiệu quả.

Hiện nay, cây gai xanh đã được trồng khá thành công ở tỉnh Thanh Hóa và Sơn La và được xem là cây làm giàu cho người nông dân, bởi hiệu quả kinh tế mà cây lá gai mang lại cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng truyền thống khác.

Cây gai (Boehmeria nivea) nguồn gốc nhiệt đới, có tiềm năng sinh khối lớn, trồng 01 lần lưu gốc 5-10 năm, thời gian sinh trưởng ngắn trung bình 45-60 ngày thu hoạch lần; (1 năm thu hoạch 5-6 lần).

Gai là cây ưa nóng, ẩm, không chịu được ngập úng và rất mẫn cảm với điều kiện khô hạn. Các loại đất phù sa ven sông, đất đỏ vàng có thành phần cơ giới thịt nhẹ đến thịt trung bình, ít chua (PH 5,5-6,5) tầng đất dày, đất ẩm, khả năng ngấm nước và giữ nước cao, tiêu, thoát nước tốt, mực nước ngầm ở sâu, địa hình tương đối bằng phẳng được coi là phù hợp cho cây gai xanh đạt năng suất, chất lượng sợi cao.

Gai là cây trồng “phàm ăn”. Nhu cầu dinh dưỡng và lượng các chất dinh dưỡng (N, P2O5 , K2O, CaO) mất đi theo sản phẩm thu hoạch hàng năm rất lớn.

Bón phân cho cây gai phải đảm bảo yêu cầu vừa cung cấp đầy đủ kịp thời, cân đối nguyên tố dinh dưỡng, vừa cải thiện được độ màu của đất để ổn định năng suất, chất lượng sợi gai cho từng vụ và cho cả chu kỳ sản xuất.

Sản phẩm phụ của quá trình sơ chế sợi gai (ngon, lá, lõi cây chiếm 80% khối lượng thu hoạch) rất  giàu dinh dưỡng (đặc biệt là đạm) dể phân hủy là nguồn hữu cơ chất lượng cao để cải tạo đất, ổn đinh năng suất cho cây gai xanh.

Mục tiêu

Năng suất gai tươi (thân, ngọn, lá):

+ Đất bãi ven sông: 120- 150 tấn/ha/năm

+ Đất đồi : 100-120 tấn/ha/năm.

Chiều cao cây gai khi thu hoạch: từ 1,2m trở lên; vỏ dày; đáp ứng nhu cầu chất lượng sợi của ngành dệt may.

Kỹ thuật canh tác

+ Lựa chọn giống trồng mới

Sử dụng giống gai xanh gieo từ giống chuẩn tại vườn nhân giống Công ty CP Nông Lâm nghiệp 24/3 Quãng Ngãi đạt các tiêu chuẩn sau:

  • Tuổi cây giống > 5 tháng
  • Chiều cao > 50cm
  • Đường kính gốc >5 mm
  • Có ít nhất 1 rễ củ đường kính > 5mm.

+ Kỹ thuật làm đất

Làm đất cho trồng cây gai xanh phải đảm bảo yêu cầu về độ sâu, mịn, độ tơi xốp, giữ ẩm, mặt rộng bằng phẳng (tránh ngập úng cục bộ), dọn sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng trước khi làm đất. Sử dung các loại máy công suất lớn như MTZ  820, 892, JDT 724, 804 JDT trồng gai theo quy trình như sau:

Đối với đất bãi bồi ven sông, đất đồi thấp; đất chuyên màu:

1 Cày lật bằng chảo 3 hoặc trụ 4 lần 1  Sâu 25-30cm
2 Phay đất lần 1 Đất nhỏ, tơi xốp, sâu từ 15–20cm
3 Cày lật chảo 3 hoặc trụ 4 lần 2 Vuông góc với lần 1; sâu từ 15–20cm
4 Phay đất  lần 2 Đất nhỏ, tơi xốp, sâu từ 20–25cm
5 Rạch hàng Khoảng cách hàng 1,4m

Đối với đất 1 lúa 1 màu:

1 Cày lật bằng chảo 3 hoặc trụ 4 lần 1  Sâu 20-25cm
2 Phay đất lần 1 Đất nhỏ, tơi xốp, sâu từ 10–15cm
3 Cày lật chảo 3 hoặc trụ 4 lần 2 Vuông góc với lần 1; sâu từ 25–30cm
4 Phay đất  lần 2 Đất nhỏ, tơi xốp, sâu từ 20–25cm
5 Rạch hàng Khoảng cách hàng 1,4m

Thời vụ trồng

Trồng vào 2 thời vụ chính: vụ xuân và vụ thu theo lịch trình như sau:

– Trồng vụ xuân: Làm đất trồng năm thứ nhất tháng 1-2-3; sau 80-100 ngày thu hoạch lần 1 và sau 45-50 ngày thu hoạch vụ 2-3-4-5 trên năm.

– Trồng vụ thu: làm đất trồng tháng 8-9-10; sau 90 đến 110 ngày thu hoạch lần 1 và sau 45-50 ngày thu hoạch lần 2-3-4-5 trên năm.

– Từ năm thứ 2 trở đi thu hoạc sau 45-55 ngày thu hoạch trên vụ có thể thu hoạch lên đến 6 vụ trên năm.

Mật độ khoảng cách trồng

– Mật độ trồng 28.600 cây trên ha; hàng cách hàng  90cm; cây cách cây 50cm.

Kỹ thuật trồng

– Trồng vào ngày râm mát, tốt nhất là buổi chiều, rạch hàng xong trồng ngay.

– Rải đều phân chuồng vào rảnh đặt cây cách nhau 50cm lấp nhẹ tưới nước xung quanh gốc 1 lít/cây sau đó mới lấp đất phủ kín gốc trồng xong dùng kéo cắt thân cây sát mặt đất 2cm.

– Sau khi gai nảy mầm (từ 15-20 ngày), tiến hành kiểm tra đồng ruộng phát hiện và trồng dặm những cây bị chết.

Kỹ thuật bón phân

* Đối với gai trồng mới:

– Vôi bột 1,5 tấn/ha; bón rải đều trên mặt ruộng trước khi cày lần 1.

– Bón lót 10 tấn/ha phân chuồng; bón rải đều trong rảnh trồng.

– Bón thúc 400kg phân NPK 20-20-15 sau 20-30 ngày trồng (sau khi gai mọc mầm đều).

– Cách bón phân NP: bón trong khi đất ẩm nếu đất khô phải tưới nước, dùng máy hoặc cày rãnh hai bên hàng sâu 15cm, cách gốc 10-15cm; sau đó rải phân đều vào rảnh, tuyệt đối không bón vãi trên mặt đất.

Kỹ thuật chăm sóc gai

– Xới xáo, làm cỏ gốc: Căn cứ tình hình thực tế cỏ dại trong ruộng gai để tiến hành xới xáo làm cỏ gốc điều kiện cho gai sinh trưởng tốt (đặc biệt là gai trồng mới).

– Tỉa cây vô hiệu: Khoảng 40-50 ngày (đối với gai trồng mới) và 10-15 ngày (đối với gai lưu gốc) tiến hành kiểm tra đồng ruộng, đánh giá mật độ cây để tỉa cây vô hiệu chỉ giữ lại mỗi bụi 6 cây to, khỏe, đồng đều.

Sâu bệnh hại

– Sâu chủ yếu là bọ chỉ, sâu róm ăn lá, sâu quấn lá, thường xuất hiện vào mùa đông xuân, phụ thuộc vào thời tiết từng vụ từng năm.

– Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện các loại sâu hại để trừ. Trong trường hợp mật độ sâu xuất hiện cao, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Imidacioride; Cypemethrin; Abametin;Fpronil; Benzoate; Cabendazin… để phun.

– Bệnh hại cho cây gai: đến nay cơ bản chưa thấy xuất hiện nhiều trên cây gai.

Thu hoạch gai

– Thời điểm thích hợp cho thu hoạch gai là khi có 1/2 thân cây (tính từ gốc lên) chuyển màu nâu nhạt bóc vỏ gai không có sợi gai bám dính vào lõi cây, bề mặt bên trong bóng mịn, thu hoạch sớm hay muộn đều dẫn đến giảm năng suất, chất lượng sợi gai.

– Cắt gai sát mặt đất, vết cắt gọn, không dập gốc gai. Loại bỏ cây không đủ điều kiện tiêu chuẩn chế biến sợi (dưới 1,2m). Bó gai thành bó 10 đến 15kg, bốc xếp và vận chuyển về cơ sở sơ chế ngay trong ngày.

– Không thu hoạch gai vào ngày trời mưa. Trong trường hợp trời nắng to, không kịp vận chuyển, tuyệt đối không xếp gai thành đống, không che phủ bằng bất cứ vật liệu nào để tránh làm hư hỏng chất lương cây gai xanh.

>> Gai xanh: Trồng một lần lưu gốc mười năm, lãi 60 triệu đồng mỗi năm một héc

Farm 24/3 (tổng hợp)

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Scroll to Top